Cookies Consent

This website use cookies to help you have a superior and more relevant browsing experience on the website. Read more...

Vi phạm thương hiệu - vấn đề không của riêng ai

Sự hồi phục của thị trường địa ốc Việt Nam trong những năm gần đây đã đem đến sự khởi sắc cho các thị trường liên quan trong ngành xây dựng và trang thiết bị nội ngoại thất, trong đó có cả ngành thang máy. Do nhu cầu tăng cao đã dẫn đến vấn đề vàng thau lẫn lộn, đặc biệt là tình trạng  vi phạm bản quyền thương hiệu đang khiến người tiêu dùng không khỏi đau đầu khi lựa chọn sản phẩm. Chính vì tình trạng đó, các cơ quan điều tra đã vào cuộc để làm rõ vấn đề nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Cuối năm 2015, đoàn thanh tra về sở hữu công nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát hiện hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Mitsubishi bởi  “Công ty Cổ phần Việt Nhật-Thang máy Mitsubishi” và “Công ty cổ phần thang máy Mitsu Korea”. Cụ thể, hai công ty này đã sử dụng dấu hiệu và nhãn hiệu (đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Mitsubishi Corporation (Nhật Bản)) trong tên doanh nghiệp, phương tiện kinh doanh và trên các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện thang máy của mình. Hai ví dụ này cho thấy thị trường thang máy đang trở nên sôi động và cũng khó tránh khỏi vấn đề vi phạm thương hiệu để  trục lợi của nhiều công ty hiện nay.

Chỉ bởi cách mua hoặc tự sản xuất các linh kiện, máy móc và gia công thùng cabin sau đó lắp vào một số bộ phận như mặt nạ điều khiển, bo đối trọng có logo và tên thương hiệu nổi tiếng, các công ty sử dụng thương hiệu trái phép đã có thể qua mặt các khách hàng nhỏ lẻ, thường nằm ở quy mô gia đình. Cũng không loại trừ trường hợp các công ty này cung ứng cho các khách hàng lớn nhưng  do nhu cầu tiết kiệm chi phí nên đã không dùng sản phẩm chính hãng.

Hiện nay, dù các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực trong việc giải quyết các trường hợp vi phạm nhưng vẫn còn nhiều trở ngại để có thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng trái phép nhãn hiệu. Bởi vì, nếu bị phát hiện vi phạm về sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp có thể ký cam kết và đóng phạt hành chính với cơ quan chức năng. Nhưng về phía bị vi phạm lại rất khó khăn để có thể kiểm soát việc ngừng kinh doanh sản phẩm vi phạm một cách triệt để, tránh gây nhầm lẫn cho người mua. Và các doanh nghiệp bị vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại, và đó cũng là lý do các vụ kiện vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn khá hiếm. Lợi dụng điểm này, những vụ vi phạm vẫn tiếp diễn không ngừng.

Trong tương lai, nếu tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn tồn tại thì không những các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu nhiều thiệt hại mà cả những người tiêu dùng cũng không đảm bảo được lợi ích của mình khi vừa phải bỏ một số tiền không nhỏ nhưng lại đem về một sản phẩm không thực sự chất lượng đúng với tên thương hiệu.

Tin tức liên quan

page-top